Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không sẽ có giải pháp chặn nền tảng này.
Từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam, nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Ngoài Temu, gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.
Tại công văn ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việc này phải thực hiện ngay trong tháng 10. Trường hợp cần thiết, Bộ này phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để "có giải pháp kỹ thuật chặn phù hợp".
Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại. Ảnh: Reuters
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thừa nhận thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mại điện tử, gồm các sàn xuyên biên giới trên.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân không giao dịch với các nền tảng khi chưa được xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Cục Thương mại và Kinh tế số cũng được giao tham mưu cho lãnh đạo Bộ để báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký.
Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký.
Trong tháng 10, Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất phương án xử lý các nền tảng hoạt động trái phép. Cục Xuất nhập khẩu được yêu cầu đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.
Trong tháng 11, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước đánh giá tác động với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Vụ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm, thương hiệu, tăng niềm tin của người tiêu dùng và cạnh tranh cho hàng Việt.
Hình thức kinh doanh của các sàn thương mại điện tử như Temu là kết nối trực tiếp người mua hàng với nhà sản xuất. Mô hình bán hàng giá rẻ tận xưởng giúp họ thu hút tập người dùng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ. Trong thời gian đầu, hàng bán trên nền tảng này được quảng cáo rầm rộ, giảm tới 70-90%. Tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại cơn lốc Temu với hàng giá rẻ từ nước ngoài sẽ triệt tiêu hàng hóa, doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook... Ông yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai, nộp thuế. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý.
Phương Dung